Tin kinh tếNgày: 07-11-2017 bởi: Admin Admin
Giá dầu thế giới lập đỉnh hơn 2 năm sau vụ bắt tỷ phú giàu nhất Trung Đông
Giá dầu thế giới ngày 6/11 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2015, trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt và do tác động từ vụ Saudi Arabia bắt tỷ phú giàu nhất Trung Đông.
Theo hãng tin Reuters, giá dầu thô Brent tại thị trường London vào đầu giờ chiều theo giờ Việt Nam có lúc đạt mức 62,44 USD/thùng, cao nhất từ tháng 7/2015. So với mức đáy kể từ đầu năm thiết lập vào tháng 6, giá dầu Brent hiện đã tăng hơn 40%.
Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI có lúc đạt 56 USD/thùng, cũng là mức giá cao nhất kể từ tháng 7/2015. Từ mức đáy thiết lập vào tháng 6 đến nay, giá dầu WTI đã tăng hơn 30%.
Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia vừa có động thái củng cố quyền lực thông qua một cuộc thanh trừng chống tham nhũng. Bị bắt trong vụ này có hàng loạt nhân vật hoàng gia, bộ trưởng và nhà đầu tư, bao gồm hoàng tử Alwaleed bin Talal, nhà đầu tư nổi tiếng của Saudi Arabia và cũng là tỷ phú giàu nhất Trung Đông.
Một báo cáo của RBC Capital Markets được Reuters trích dẫn nói rằng mặc dù "vụ thanh trừng cho thấy một diễn biến chính trị gây sửng sốt ở Saudi Arabia", nhưng ít có khả năng dẫn tới "thay đổi ngay tức khắc" trong chính sách dầu lửa của nước này. Saudi Arabia hiện là nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới và là thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).
Thái tử Mohammed "có vẻ như cam kết mạnh mẽ với việc theo đuổi thỏa thuận [cắt giảm sản lượng của] OPEC trong năm 2018 và thúc đẩy việc bán cổ phần của tập đoàn dầu lửa quốc doanh Aramco", RBC nhận định.
Vị thái tử 32 tuổi của Saudi Arabia hiện là người đứng đầu những nỗ lực cải cách của nước này nhằm chuẩn bị cho một kỷ nguyên hậu dầu lửa. Trong chiến lược của ông có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đối với tập đoàn dầu lửa Saudi Aramco. Vụ IPO dự kiến diễn ra vào năm tới có thể sẽ là vụ phát hành lớn nhất trong lịch sử.
Về những yếu tố căn bản của thị trường dầu lửa, giới giao dịch nói rằng đang tiếp tục có những dấu hiệu cho thấy một thị trường bị thắt chặt nguồn cung. Tuần trước, các công ty dầu lửa Mỹ tạm ngừng hoạt động 9 giàn khoan, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2016, khiến số giàn còn hoạt động giảm xuống còn 729.
Trong khi đó, OPEC và một số nước sản xuất dầu lớn ngoài khối, bao gồm Nga đã cam kết cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày nhằm vực dậy giá dầu. Thỏa thuận này sẽ kéo dài đến tháng 3/2018, nhưng các nước tham gia đang ngày càng nhất trí gia hạn thêm.
Trái với sự thắt chặt nguồn cung, giới phân tích nói rằng nhu cầu dầu của thế giới vẫn đang mạnh.
"Sự tăng trưởng kinh tế đồng đều trên toàn cầu và những gián đoạn mới về nguồn cung đang tạo ra một môi trường thuận lợi nhất cho giá dầu kể từ năm 2014", một báo cáo của ngân hàng Barclays có đoạn viết.
Barclays đã nâng dự báo giá dầu Brent trung bình trong quý 4 năm nay thêm 6 USD/thùng, lên mức 60 USD/thùng. Ngoài ra, ngân hàng này cũng nâng dự báo giá dầu trung bình của cả năm 2018 thêm 3 USD/thùng, lên mức 55 USD/thùng.
Theo Barclays, bức nền kinh tế vĩ mô toàn cầu khả quan bất ngờ và việc lượng dầu tồn kho tiếp tục giảm đồng nghĩa với việc đà tăng chậm của giá dầu có thể được duy trì cho tới hết quý 1 năm sau.
(Nguồn: Vneconomy)